Khu vực miền Phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng là một xu hướng và nhu cầu tất yếu của xã hội hiện đại, dù nền kinh tế trong nước và thế giới có những giai đoạn khó khăn.
Theo phong thủy, cần chọn địa thế bằng phẳng, đầy đặn để xây nhà - Ảnh: Hoài Nam
Việt Nam có lợi thế phong phú về cảnh quan, đa dạng văn hóa, nhiều phong cảnh đẹp và di tích lịch sử hấp dẫn. Trong khi đó, nhiều chuyến bay giá rẻ với tần suất hoạt động cao khiến lượng khách du lịch cả trong nước và quốc tế tăng lên hàng năm. Đặc biệt, thu nhập của người dân ngày càng cao, nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng tăng lên và những gia đình khá giả có xu hướng chuyển từ việc thuê phòng khách sạn sang việc mua hẳn một biệt thự hay căn hộ tại các khu du lịch, trong thời gian không nghỉ dưỡng thì cho thuê. Đây là cơ sở để các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng liên tiếp ra đời. Thực tế trên thế giới cho thấy, phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng là một xu hướng và nhu cầu tất yếu của xã hội hiện đại, dù nền kinh tế trong nước và thế giới có những giai đoạn khó khăn. Nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Pháp, Hà Lan…, mỗi năm người lao động được khuyến khích đi nghỉ hè từ một đến vài tuần để tái tạo sức lao động.
Việt Nam có hơn 3.200 km đường bờ biển, nhiều nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, với sông núi, biển hồ quanh co uốn lượn, nên hầu hết dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đều có thế “toạ sơn, hướng thuỷ”, một thế đất tốt theo phong thuỷ. Một trong những khẩu quyết chọn được cuộc đất tốt để xây nhà hợp phong thủy là:
"Nhà ở phải ngắm chọn địa hình,
Tựa núi, hướng sông mới thoả lòng.
Núi có Lai Long cao xinh đẹp,
Sông cần uốn lượn bao bọc quanh.
Minh Đường rộng lớn ắt nhiều phúc,
Thủy Khẩu ẩn tàng chứa vạn kim.
Quan sát hai phương không chướng ngại,
Quang minh chính đại vượng môn đình”.
Nhìn chung, ba yếu tố núi, nước và phương vị quyết định chủ yếu đến tính chất lành, dữ của một mảnh đất. Núi là khung xương của đất bằng, nguồn nước là ngọn nguồn sinh sống của vạn vật. Núi được ví như cơ thể người, còn nước chính là mạch máu trong cơ thể. Núi giữ vai trò chủ đạo trong việc tập hợp những điều tốt lành thông qua tác dụng chắn gió, lưu giữ “khí” (năng lượng). Ngoài ra, núi tượng trưng cho quý nhân trong cuộc sống, giúp con người vượt qua khó khăn.
Theo lý luận ngũ hành, núi được phân thành 5 loại hình: Kim (núi tròn), Mộc (phẳng, cao), Thuỷ (cong, uốn lượn), Hoả (nhọn, chân rộng), Thổ (vuông, lùn). Trong các hình dạng núi, hình tròn là tốt nhất, hình nhọn là kém nhất. Đơn giản hơn là phân loại núi theo điềm lành, dữ. Theo đó, núi lành là núi non nhấp nhô trùng điệp, sinh động đẹp mắt, ung dung hùng vĩ, trên núi có đất đai màu mỡ, cây cỏ xanh tốt và có động vật sinh sống. Có câu ví von: “Đá là xương của núi, đất là thịt của núi, nước là mạch máu của núi, cỏ cây là da, lông của núi”. Nếu núi đứt gãy, núi dựng đứng, núi đơn lẻ, núi trọc hoặc cỏ cây thưa thớt là núi dữ, thiếu sinh khí để nuôi dưỡng vạn vật.
Theo đó, làm nhà cần chọn nơi núi lành, địa thế xây nhà phải bằng phẳng, đầy đặn, vuông vức, phía trước thấp, sau cao, đồng thời có không gian thoáng đãng, môi trường trong sạch, lành mạnh và có sự yên tĩnh nhất định.
Về nước, nước thuỷ triều, nước ao hồ, nước sông suối đều là biểu hiện của một vùng đất tốt; còn vùng đất có nước đầm lầy, nước hôi thối, nước bùn thì không tốt. Cụ thể hơn, nước có màu xanh biếc, vị ngọt, mùi thơm thì đây là nước tốt nhất. Nước màu trắng, có vị mát, vị ấm là nước có chất lượng trung bình. Nước có màu nhạt, vị cay, mùi nước hắc là nước có chất lượng kém. Nếu nước có vị chua, chát, mùi ôi thiu thì nơi này tuyệt đối không thể cư trú. Bởi lẽ, không chỉ sức khoẻ, mà thể chất, dung mạo, tính tình và phẩm chất đạo đức của con người một phần là do tính chất khác nhau của nước quyết định.
Thực chất, nước vốn không có mùi vị, mùi vị của nước thay đổi tuỳ thuộc vào loại đất. Thông thường, đất tốt là đất mịn chắc, trơn tru, màu mỡ, không quá mềm hoặc quá cứng, có màu sắc tươi sáng (kỵ ở nơi đất có màu đen). Người xưa có nói: “Địa linh, nhân kiệt”, ý nói rằng, đất tốt sẽ sản sinh ra hiền tài. Nói cách khác, con người sinh ra trên đất, chịu ảnh hưởng rất nhiều từ đất.
Nhìn chung, mỗi khu vực, vùng miền có cấu tạo địa chất, khí hậu, hệ thực vật và tình hình thuỷ văn khác nhau, chỉ khi nào các yếu tố địa lý tự nhiên của khu vực này hài hoà, bổ sung, hỗ trợ nhau thì mới có được “khí” thuận lợi. Sinh khí tràn trề sẽ tạo nên vùng đất bảo địa phong thuỷ lý tưởng, giúp con người sống trong đó được mạnh khoẻ, may mắn, nhân đinh tài vận đều vượng.
Sưu Tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét