Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Lấy vợ hiền hoà, làm nhà hướng Nam

Đó là kinh nghiệm của người xưa về chọn vợ và chọn hướng nhà.


Do vị trí địa lý và đặc thù khí hậu của Việt Nam, nên hướng Nam là hướng thuận lợi nhất để xây nhà cửa 

Vợ hiền hoà nghĩa là vợ hiền lành và hoà thuận, sẽ giúp gia đình được êm ấm, hạnh phúc. Còn nhà hướng Nam là hướng tối ưu, vì đón nhận được nhiều ánh sáng, tránh nắng gắt, đồng thời đón nhận được gió mát, tránh gió lạnh. 

Có một dị bản khác là “lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng Nam”, đã làm nhà thì phải là nhà hướng Nam, điều đó cũng hiển nhiên như việc lấy vợ phải là đàn bà. Có người vặn hỏi, lấy vợ chẳng lấy đàn bà thì lấy đàn ông à! Mặt khác, lấy vợ là phải lấy con gái, chứ lấy “đàn bà” thì... nhiều anh không thích! Lúc này, câu chuyện có thể xôm ra trò nếu bàn về vấn đề giới tính, đàn bà ở đây là phụ nữ, nhưng ngày nay không ít người đồng tính, không hiếm chị em trông xinh như hoa hồng mà nụ có nguồn gốc từ “cây chuối”. 

Nói vui vậy thôi, chứ ai cũng hiểu ý người xưa muốn nói, dù “vợ đàn bà” hay “vợ hiền hoà” thì bản chất vẫn là “nữ tính”, có ngoại hình và những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ như dịu dàng, duyên dáng, khéo léo, xinh đẹp, tình cảm, vị tha, tế nhị, kín đáo, tề gia nội trợ… Liệu có mấy anh chàng thích “một nửa” của mình có hình dáng và/hoặc tính cách đàn ông? 

Ngày nay, phẫu thuật thẩm mỹ, công nghệ làm đẹp có thể khiến mẹ và con gái trông như hai chị em, có thể giúp một anh “đực rựa” đi thi hoa hậu, nhưng có được nữ tính thì không. Thực tế, không ít ông chồng âm thầm chịu đựng/chấp nhận chuyện “thay bậc, đổi ngôi” trong gia đình khi người vợ không có nhiều đặc điểm của phụ nữ, trong đó có dịu dàng, duyên dáng…, mà có đặc điểm của “Sư tử Hà Đông”. Chẳng thế mà nhà thơ Kim Giao viết bài Dịu dàng, với hai câu mở đầu là: “Có ai bán cái dịu dàng/Anh mua một gánh tặng nàng làm duyên”. Có thể nói, cái dịu dàng, cái duyên con gái là báu vật mà tạo hoá ban tặng cho phái đẹp, dù không có nhan sắc thì đã có cái dịu dàng thay thế. 

“Lấy vợ hiền hoà” ai cũng mong muốn, vậy còn “làm nhà hướng Nam” là vì sao? Trước hết, do vị trí địa lý và đặc thù khí hậu của Việt Nam (nhiệt đới, nóng ẩm, gió mùa) nên đối với hầu hết vùng, miền, hướng Nam là hướng thuận lợi nhất để xây dựng nhà cửa: đón được đầy đủ ánh sáng và gió mát hơn hẳn các hướng khác. Đặc biệt, nhà xây hướng Nam sẽ tránh được ánh nắng chói phía Đông vào buổi sáng, buổi chiều không bị nắng chiếu gay gắt từ phía Tây, đồng thời tránh được gió nóng (gió Lào) từ phía Tây thổi tới và không bị ảnh hưởng bởi gió lạnh từ phương Bắc tràn về. 

Trong khi đó, mùa Hè đón được những ngọn gió mát từ hướng Đông Nam và hướng Nam. Dân gian có câu: “Trăm người hầu không bằng đầu ngọn gió”, “Gió Nam chưa nằm đã ngáy”, “Nhà hướng Nam, không làm cũng có ăn”…, nói lên lợi điểm của nhà hướng Nam. 

Từ thời nguyên thủy, con người đã biết tận dụng hướng Nam để được mát về mùa Hè, ấm về mùa Đông, tăng sức đề kháng của cơ thể, tránh sự xâm hại của tự nhiên đối với sức khỏe. Phần lớn hang động tại Hòa Bình có người ở đều quay về hướng Nam hoặc Đông Nam. Không một hang có người ở nào lại có cửa quay về hướng Bắc, bởi lẽ, gió mùa kèm theo giá rét từ phương Bắc có ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của con người (riêng các tỉnh, thành phía Nam, do thời tiết và nhiệt độ ít thay đổi nên làm nhà hướng Bắc không bị lạnh theo mùa). 

Mặt khác, hướng Nam là hướng mặt trời lên cao, tượng trưng cho lửa, dương lực, mùa hạ, sự ấm áp…, cũng chính là hướng tượng trưng cho thời kỳ mạnh mẽ nhất của cuộc đời con người, phát huy khả năng, sức mạnh của bản thân mỗi người. Địa vị xã hội, tiền tài, năng lực lãnh đạo, trí tuệ, tài năng đều có liên quan đến hướng Nam. Theo Tiên thiên bát quái, phía Nam có tượng là quẻ Càn (trời, vua…), nên phía Nam được coi là hướng của bậc đế vương, còn theo Hậu thiên bát quái, hướng Nam có tượng là quẻ Ly, biểu tượng của lửa, ánh sáng. Do vậy, các bậc vua chúa thường toạ Bắc, hướng Nam để hướng về lẽ sáng mà xử lý công việc, cai trị thiên hạ; cung điện, thành quách được xây theo hướng này nhằm bảo vệ vị trí chí cao vô thượng. 

Mặc dù lý luận phong thuỷ phái Bát trạch cho rằng, hướng Nam chỉ hợp với người mệnh Đông tứ, nhưng những người mệnh Tây tứ không nên bỏ qua. Với nhà hướng Nam nhưng không hợp mệnh chủ nhà, có thể dùng gương bát quái để hoá giải, đồng thời dùng các hình thức bài trí nội thất, đặc biệt là bếp và phòng ngủ để tạo sự tương tác tốt, dung hòa hướng xấu đó. Ngoài ra, có thể sử dụng các pháp khí phong thuỷ để kích hoạt khí trường của ngôi nhà, tạo cho ngôi nhà có một trạch vận tốt đẹp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét