Trong quá trình làm nhà, sau khi lợp được mái (cất nóc) có thể coi như hoàn thành phần khung xương chủ yếu. Ngôi nhà có bền vững và thuận lợi về trường khí hay không, một phần cũng ở bộ mái, và những vấn đề liên quan đến mái như không gian sử dụng, thoát nước, che mưa nắng…
1. Tôi hay nghe câu “nhà dột từ nóc” với nghĩa đen là tầm quan trọng của bộ mái trong sự an toàn và bền vững của một ngôi nhà. Xin hỏi khi làm mái nhà cần lưu ý những điều gì về phong thuỷ? (Phan Hùng, đường Võ Văn Ngân, Q. Thủ Đức)
2. Giữa mái bằng và mái dốc, mái nào hợp phong thuỷ hơn? (Lê Văn Khánh, Q.2)
3. Xin hỏi quý báo: tôi đang ở trong căn hộ mà mái nhà là mái của toàn chung cư hay sàn của căn hộ trên lầu. Nếu bên trên bàn thờ của căn hộ tôi ở là giường ngủ hay phòng vệ sinh của nhà khác thì có ảnh hưởng gì về phong thuỷ không? (Hoàng Thuận, chung cư Conic, Bình Chánh)
An toàn và bền vững
Để bảo vệ phần trên của nhà, tạo sinh khí thông suốt và trong lành từ trên cao xuống, khi làm mái cần theo nguyên tắc truyền thống là bài thuỷ – cách nhiệt – triệt lôi. Vai trò che chở và thoát nước của mái nhà cần ưu tiên hàng đầu nên phải tạo độ dốc thoát nước mưa hợp lý (bài thuỷ). Nếu là mái bằng cũng phải chú ý che một phần hay toàn phần bằng mái dốc để giảm mưa nắng trực tiếp tác dụng xuống rất dễ gây ngấm dột. Mái dốc, mái bằng hoặc mái hiên luôn cần vươn ra xa so với mặt tường nhà để giảm mưa tạt ngang và thoát nước ra phía ngoài nhà. Cách nhiệt cho mái tốt tức là giảm thiểu lượng nhiệt lưu lại trên và dưới mái đồng thời phải phối hợp luôn cách nhiệt với chống thấm, ví dụ như làm sàn hai lớp kết hợp đổ đất trồng cây. Hoặc dùng “mái chồng mái” giúp giảm nóng, giảm thấm dột hiệu quả. Triệt lôi là những giải pháp thu sét trên mái theo dây dẫn nối xuống cọc tiếp địa chôn sâu dưới đất, điều mà một số gia đình quên chú ý, nhất là khi nhà xây cao hơn so với các nhà xung quanh hoặc nhà làm trong khu vực mới quy hoạch còn trống trải.
Kết cấu và bề mặt
Dù chọn lựa hình thức mái bằng hay mái dốc thì vẫn cần giải quyết tốt các vấn đề về kỹ thuật (thoát nước mưa, chống thấm, chống nóng) và mỹ thuật (hài hoà bao cảnh, hình thức ngôi nhà) song hành với các yếu tố về phong thuỷ theo nguyên tắc: hình nào thì lý ấy, lý nào thì khí ấy. Hình dáng bên ngoài của mái xác định nội dung bên trong, như mái che buồng thang, mái lấy sáng, mái phòng thờ, mái làm kho… đều có thể nhận ra từ bên ngoài. Những “hội chứng” chóp này đỉnh kia một thời rộ lên nay đã bộc lộ nhược điểm không chỉ về cảnh quan thẩm mỹ, mà còn cả ở mặt cấu tạo, độ bền, tính tiện dụng. Vì thế, mái bằng hay mái dốc đều có những ưu nhược điểm nhất định, miễn là gia chủ lưu tâm đến phần thiết kế sao cho hợp lý về không gian trong ngoài, gắn kết được với môi trường sống, cảnh quan chung chứ không đơn thuần là ý thích cá nhân.
Phần trên mái thuần dương, phần dưới mái thuần âm, ngày nóng đêm lạnh, mưa nhiều gió mạnh… khiến bề mặt mái cần được chọn lựa kỹ vật liệu và cách thức thi công để đảm bảo khả năng ngăn chặn tác động xấu từ bên ngoài vào nhà. Ví dụ chọn tôn thì nên dùng loại có lớp cách âm cách nhiệt, tấm trần cách nhiệt, chọn ngói thì cần loại dày chắc và lợp đúng quy cách, chọn mái bằng thì cần lưu ý dùng gạch chuyên chống nóng, làm sàn hai lớp…
Kết hợp tốt giữa mái bằng và mái dốc để khai thác hiệu quả sử dụng và nâng cao thẩm mỹ
Chung và riêng, trên và dưới
Một bộ mái là phần che phủ chung cho toàn công trình (dù nhà nhiều tầng hay chỉ là nhà trệt). Do vậy mái của nhà chung cư dĩ nhiên là mái của toàn khối nhà, che chở và góp phần hoàn thiện cho toàn bộ công trình chứ không riêng gì một căn hộ nào bên trong. Còn chuyện “trên đầu căn hộ của mình là không gian gì” thì lại thuộc vấn đề phương vị trong bố trí mặt bằng của nhà có nhiều tầng. Thông thường các căn hộ đều có bố trí thẳng hàng nhau từ trên xuống dưới các không gian vệ sinh, bếp, ban công… để thuận lợi về hệ thống kỹ thuật. Chỉ có một vài sắp xếp riêng lẻ không tương đồng khiến các gia chủ hay “chạy lên chạy xuống” để xem xét bố trí nội thất sao cho ít bị ảnh hưởng qua lại với nhau. Trường hợp bố trí bàn thờ trong căn hộ cũng vậy, nếu khéo để ý thì sẽ đặt vị trí bàn thờ tránh nằm dưới các không gian “xấu” (như phòng vệ sinh) phía trên là ổn.
Trường hợp nhà phố cũng vậy, đa phần gia chủ hay đặt phòng thờ, bàn thờ trên lầu thượng để “trên là trời, dưới là con cháu”, bàn thờ theo kinh nghiệm dân gian không để cho cái gì “đè” lên trên trừ bộ mái! Từ nguyên tắc này, có rất nhiều cách sáng tạo để đảm bảo yêu cầu phong thuỷ và sử dụng trong thời buổi hiện đại. Nếu ngại đặt phòng thờ trên lầu thượng leo trèo cao quá thì gia chủ có thể bố trí dưới trệt, trên lửng, tại sân trong… miễn là có khoảng thông thiên bên trên bàn thờ (thông thoáng, lấy sáng, thoát mùi nhang khói) và cấu trúc các không gian khác sao cho không ảnh hưởng, va chạm đến vị trí thờ cúng.
Bài::THS-KTS Hà Anh Tuấn
Sài Gòn Tiếp Thị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét