Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

Kỹ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định

Cuộc sống là một chuỗi những vấn đề đòi hỏi chúng ta phải giải quyết và ra quyết định mỗi ngày. Nếu chúng ta giải quyết vấn đề và ra quyết định tốt, chúng ta sẽ thành công. Ngược lại, chúng ta sẽ phải loay hoay trong vòng luẩn quẩn “thử và sửa sai”, dần dần mất tự tin và ta sẽ thất bại. Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất là chúng ta chưa biết cách giải quyết vấn đề và ra quyết định hiệu quả. Vậy vấn đề là gì? Tại sao phải giải quyết vấn đề và ra quyết định?

 

Hiểu nôm na, vấn đề là một mục tiêu nhưng chưa biết cách thực hiện hoặc chưa biết cách thực hiện nào là tối ưu. Ví dụ: Bạn mơ ước trở thành một ca sĩ nổi tiếng nhưng bạn chưa biết cách nào để đạt được. Đó là vấn đề của bạn.

Bạn tìm đủ mọi cách: đi học, nghe, xem thần tượng của mình hát, luyện tập ngày đêm… Đến một ngày đẹp trời, bạn ra đường, người ta vây lấy bạn, tặng thật nhiều hoa và quà, gọi bạn là ca sĩ  X, Y và xin chữ ký. Nghĩa là bạn đã trở thành ca sĩ nổi tiếng như hằng mơ ước.

Bạn có hạnh phúc khi đạt được mơ ước không? Chắc là có, ít nhất là trong thời gian đầu của ánh hào quang. Như vậy, vấn đề trở thành ca sĩ nổi tiếng của bạn đã được giải quyết. Lúc này bạn có còn gì mơ ước nữa không? Phải có chứ! Bạn lại mơ ước nhiều điều khác. Và bạn lại tiếp tục tìm cách giải quyết. 

Vấn đề đôi khi là những việc rất đơn giản. Tìm ra một con đường ngắn nhất để đi làm mà không bị kẹt xe mỗi ngày cũng là một vấn đề tất cả chúng ta đều mơ ước. Nếu bạn thường xuyên giải quyết được vấn đề của mình. Bạn sẽ rất thành công và tự tin hơn. Trái lại, bạn ngại mọi sự thay đổi, thiếu tự tin và thường bị động. Vấn đề là “giải quyết vấn đề” cách nào? Giống như trước khi ra đường, bạn cần biết mình muốn đi đâu. Để giải quyết vấn đề, trước tiên, bạn cần xác định vấn đề của mình. Đó là những hiện trạng, những nguy cơ có thể xảy ra và những mục tiêu bạn mong muốn đạt được. Sau khi đã xác định rõ vấn đề, bạn nên “phát biểu vấn đề” cho nhiều người biết và cùng bạn giải quyết nó nhé! 

Xin bạn đừng quá vội vàng giải quyết ngay vấn đề. Nếu quá vội vàng, bạn có nguy cơ giải quyết phần ngọn của vấn đề thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Giống như nhổ cỏ, nếu bạn chưa nhổ được gốc mà chỉ cắt ngang ngọn cỏ, hôm sau, cỏ lại mọc thêm nhiều ngọn mới, xanh tốt hơn gấp nhiều lần cái ngọn hôm qua. Trớ trêu thay, ngọn thì bao giờ cũng dễ nhìn thấy hơn gốc. Và vì thế ta thường bị “đánh lừa”. Vì vậy, bạn cần bình tĩnh và dành đủ thời gian để đi tìm “nguyên nhân gốc” của chúng. Khi đã biết rõ “nguyên nhân gốc”, giờ đây bạn bắt đầu “tìm giải pháp”. Đây là lúc bạn tận dụng hết kiến thức, kỹ năng và tư duy sáng tạo của mình để tìm được càng nhiều giải pháp càng tốt.

Trong lúc tìm giải pháp, bạn không nên bận tâm đến tính khả thi của chúng. Vì nếu phải đắn đo, cân nhắc lúc này, bạn sẽ khó có thể tìm được nhiều giải pháp. Khi có một “kho” giải pháp rồi, bạn suy nghĩ, cân nhắc tính khả thi vẫn chưa muộn. Cuối cùng, bạn hãy cân nhắc và quyết định chọn một giải pháp phù hợp nhất với hoàn cảnh thực tế của mình. Giải pháp phù hợp, có khi không phải là giải pháp tốt nhất đâu bạn nhé! Nhưng trong nhiều trường hợp, ta cũng không cần phải mất quá nhiều công sức, thời gian và chi phí để giải quyết triệt để một vấn đề. Nếu có giải pháp đơn giản hơn nhưng vẫn có thể giải quyết tương đối tốt vấn đề thì cũng đáng cho ta chọn lắm phải không? Vì vậy, bạn không cần quá cầu toàn mọi lúc, mọi nơi.

Có một nghịch lý là chúng ta thường dành rất nhiều thời gian để tìm giải pháp và ta tìm được giải pháp rất tuyệt vời. Nhưng sau đó thì ta lại chẳng làm gì cả. Giải pháp vẫn chỉ là giải pháp. Còn vấn đề của ta vẫn còn nguyên đấy. Đó chính là điều tôi muốn nói với bạn. Khi chọn được giải pháp rồi, hãy bắt tay thực hiện ngay để biến nó thành hiện thực. Vấn đề chỉ khuất phục bạn, khi bạn quyết tâm giải quyết chúng. Nếu bạn bỏ qua bước này, mọi công sức trước đó của bạn đều trở nên vô nghĩa. Giờ ta cùng mở tiệc mừng thôi! Chúc bạn luôn chủ động với những vấn đề của mình và thành công trong công việc và cuộc sống!



Sa Ga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét