Nhiều người không chọn một vị trí thấp hơn vì suy nghĩ như thế là dấu hiệu đi xuống của sự nghiệp. Thật ra, làm một công việc ở vị trí thấp hơn vẫn có thể giúp bạn phát triển sự nghiệp nếu công việc đó nằm trong một kế hoạch nghề nghiệp lâu dài.
Khi nào làm một vị trí thấp hơn là phù hợp? Làm thế nào để quá trình chuyển đổi công việc diễn ra thuận lợi? Dưới đây là một số thông tin hữu ích cho bạn.
Tìm hiểu bản thân, vì sao bạn phải lùi một bứơc?
1. Do hoàn cảnh đưa đẩy
Bối cảnh chung của nền kinh tế hay sự khó khăn về tài chính của bản thân đều có thể là nguyên nhân khiến bạn phải chấp nhận một chức vụ thấp hơn. Không có gì phải xấu hổ về việc này. Tuy nhiên, đầu tiên hãy nghiêm túc tự hỏi tại sao mình lại rơi vào hoàn cảnh như hiện nay. Tôi biết nhiều người đã buộc phải chấp nhận một vị trí thấp hơn vì họ đã không quản lý tốt sự nghiệp của họ. Hãy làm điều phải làm, nhưng bạn cần rút kinh nghiệm để đừng rơi vào hoàn cảnh này nữa.
2. Vì bạn muốn chuyển nghề
Chuyển nghề là một lý do hoàn toàn hợp lý để chấp nhận một vị trí thấp hơn. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý là chuyển nghề không đồng nghĩa với việc bạn phải bắt đầu từ con số không. Hãy tận dụng những kỹ năng liên quan (transferable skills) hoặc kiến thức chuyên môn có thể giúp bạn giành được một vị trí cao hơn. Ngoài ra, bạn cũng cần nhớ chuyển ngành không giống như chuyển nghề. Khi chuyển ngành nhưng làm cùng một công việc, bạn vẫn có thể nhắm vào những vị trí cùng cấp. Chẳng hạn, một trưởng phòng tài chính trong một công ty phần mềm có thể nắm một vai trò tương tự trong một công ty về du lịch hay quảng cáo...
3. Để tích lũy kinh nghiệm
Một vị trí thấp hơn trong một phòng ban khác có thể giúp bạn tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, trước khi ra quyết định, hãy cân nhắc về sự tương thích, khả năng thành công của bạn và tác động của việc chuyển đổi ấy với kế hoạch nghề nghiệp tổng thể của bạn.
4. Tìm một hướng đi mới để thăng tiến sự nghiệp
Hãy hình dung bạn đang cố gắng leo lên đỉnh một ngọn núi. Tuy nhiên, mới đi được chừng 2/3 thì bạn thấy đường bị tắc hoặc quá gập ghềnh, khó đi. Lúc này bạn sẽ có 2 lựa chọn: bỏ cuộc hoặc leo xuống vị trí thấp hơn một chút để tìm đường khác leo lên đỉnh. Trong nghề nghiệp, mọi chuyện cũng tương tự. Đảm nhận một vị trí thấp hơn nhưng phù hợp có thể là một bước đi khôn ngoan nếu bạn có lòng tin vào thành công và biết rằng đây là cách đúng đắn để bạn tiếp tục thăng tiến sự nghiệp.
Chinh phục nhà tuyển dụng
Một khi đã xác định mình nên chấp nhận một chức vụ thấp hơn, bạn cần chuẩn bị chu đáo để lọt được vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng (NTD). Chắc chắn sẽ có nhiều ứng viên trẻ cạnh tranh với bạn. Vì thế, bạn cần “đánh tan” sự ngờ vực của NTD là trình độ của bạn quá cao so với công việc này nên sớm muộn gì bạn cũng sẽ chán và bỏ việc.
Bạn cần trình bày một cách tích cực và thuyết phục lý do bạn muốn công việc này. Chẳng hạn, bạn có thể nói: “Tôi muốn tạo dựng sự nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng. Công việc này sẽ tạo điều kiện để kiến thức và kỹ năng của tôi có ‘đất’ dụng võ, cũng như giúp tôi rèn luyện kỹ năng thực hành từ cấp độ cơ bản. Nhờ vậy, tôi sẽ có thể phục vụ khách hàng của công ty được tốt hơn.”
Tóm lại, khi trao đổi với NTD, bạn cần thể hiện mình là ứng viên:
- Có đủ sức khỏe và sự nhiệt tình để làm việc cũng như sự linh hoạt, khả năng và lòng ham học hỏi.
- Sẽ đem lại nhiều lợi ích cho công ty nhờ có kinh nghiệm hơn là một ứng viên trẻ tuổi chưa được “thử lửa”.
- Sẽ hài lòng với vị trí của mình và không đòi thăng chức chỉ 3 tháng sau khi bắt đầu công việc.
- Hiểu rằng việc đề bạt sẽ dựa trên hiệu quả làm việc.
Một điều quan trọng khác mà bạn cần lưu ý là khi chấp nhận một chức vụ thấp hơn, bạn không nên có thái độ kẻ cả, xem thường các đồng nghiệp trẻ. Thái độ ấy sẽ gây ành hưởng xấu đến kế hoạch của bạn. Hãy lưu tâm phát triển sự nghiệp của bạn trong vai trò mới và quản lý chặt chẽ hiệu quả làm việc của bản thân. Nếu luôn tự nhủ rằng công việc này là một bước quan trọng trong chiến lược nghề nghiệp dài hạn, bạn sẽ làm việc tích cực hơn.
Sưu Tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét