QUY TRÌNH KỸ THUẬT XÁC ĐỊNH ĐỘ LÚN CÔNG TRÌNH DÂN DỤNG VÀ CÔNG NGHIỆP BẰNG PHƯƠNG PHÁP ĐO CAO HÌNH HỌC
Technical process of settlement monitoring ofcivil and industrial building by geometrical levelling
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này áp dụng để đo và xác định độ lún công trình dân dụng và công nghiệp bằng phương pháp đo cao hình học. các công trình xây dựng (không phân biệt từ nguồn vốn nào) thuộc những đối tượng sau đây đều phải tiến hành đo và xác định độ lún:
- Các công trình cao tầng có khả năng bị lún;
- Các công trình nhạy cảm với lún không đều;
- Các công trình đặt trên nền đất yếu;
- Các loại đối tượng công trình khác khi có yêu cầu đo và xác định độ lún cũng áp dụng tiêu chuẩn này.
Tiêu chuẩn quy định các chỉ tiêu kỹ thuật đo độ lún công trình dân dụng và công nghiệp bằng phương pháp đo cao hình học và hướng dẫn kỹ thuật để thực hiện các chỉ tiêu này.
2. Thuật ngữ và định nghĩa
2.1 Góc i (Angle i)
Góc lệch của trục ngắm ống kính so với mặt phẳng nằm ngang.
2.2 Bộ đo cực nhỏ (Micrometer)
Núm khắc vạch để di động tấm kính phẳng nghiêng đi một góc làm tia ngắm dịch chuyển một khoảng chia danh nghĩa trên mia, 1 cm tương ứng một trăm số đọc trên núm khắc vạch.
2.3 Chênh cao nhân đôi (Double differential elevation)
Chênh cao đọc được trên mia Invar có giá trị khoảng chia danh nghĩa là 1 cm, còn khoảng chia thực tế là 5 mm.
2.4 “Cóc” (Base)
Dụng cụ để đặt mia chuyển độ cao khi đo chênh cao giữa hai điểm không nhìn thấy trực tiếp bằng một trạm máy.
3. Quy định chung
3.1. Tổ chức thiết kế căn căn cứ vào tầm quan trọng của công trình, tình hình địa chất tại công trường để xác định các đối tượng và hạng mục cần đo lún, vị trí các mốc chuẩn, phân bố các điểm đo lún, phương pháp đặt mốc, kiểu mốc, độ chính xác khi đo, các tài liệu cần thu thập và phương pháp chỉnh lí kết quả.
3.2. Việc đo và xác định độ lún của công trình cần được tiến hành ngay từ khi xây xong phần móng.
Cơ quan tổ chức đo, xác định và theo dõi độ lún là chủ đầu tư.
3.3. Độ lún của nền móng công trình cần phải đo một cách hệ thống và thông báo kết quả kịp thời theo chu kỳ, để nhận được các thông số đặc trưng về độ lún và độ ổn định của nền móng đồng thời kiểm tra những số liệu dự tính về độ lún của công trình cho các loại đất nền. Việc đo độ lún công trình cần tiến hành thường xuyên cho đến khi đạt được độ ổn định về độ lún (tốc độ lún của công trình từ 1 mm trong một năm đến 2 mm trong một năm). Đồng thời việc đo độ lún công trình cũng có thể dừng lại nếu như trong quá trình đo giá trị độ lún theo chu kỳ của các điểm đo dao động trong giới hạn độ chính xác cho phép. Trong trường hợp nếu thấy công trình có những dấu hiệu chuyển dịch đột biến (lún nhiều, nứt, nghiêng, trượt) cần tổ chức đo kịp thời, để xác định các thông số chuyển dịch, tìm ra nguyên nhân và mức độ nguy hiểm đối với công trình, trên cơ sở đó đưa ra những kiến nghị và giải pháp cần thiết.
3.4. Kết qủa đo độ lún công trình dùng để đánh giá, kiểm chứng lại lý thuyết của các giải pháp thiết kế nền và móng. Đồng thời nó còn làm cơ sở để đưa ra những biện pháp cần thiết phòng chống sự cố có thể xảy ra. Kết quả đo độ lún còn được xem xét kết hợp với những tài liệu về địa kĩ thuật và các tài liệu thí nghiệm về cơ học đất.
3.5. Trước khi đo độ lún công trình cần nghiên cứu và tham khảo các tài liệu sau:
- Đặc điểm về nền móng, quy mô xây dựng của công trình cần đo độ lún và yêu cầu của tiêu chuẩn hoặc quy phạm về giá trị độ lún cho phép;
- Mặt bằng tổng thể của công trình;
- Các kết quả khảo sát về địa kĩ thuật;
- Mặt bằng, mặt cắt của từng công trình riêng biệt, trong đó có ghi rõ kích thước, vị trí và kết cấu móng;
- Sơ đồ tải trọng tác động lên nền đất;
- Tiến độ thi công công trình;
- Các thông tin về hiện trạng công trình trong thời gian khai thác sử dụng và bảo trì.
3.6. Khi tiến hành đo độ lún công trình cằn căn cứ vào mục đích, yêu cầu và nhiệm vụ đo độ lún để lựa chọn giải pháp kĩ thuật. Trước khi đo cần phải viết đề cương hoặc phương án kĩ thuật đo độ lún công trình và tuỳ theo yêu cầu cụ thể phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3.7. Độ lún công trình được đo và tính từ những mốc chuẩn ổn định gọi là độ lún tuyệt đối (trồi, lún). Độ lún công trình được đo và tính từ một điểm ổn định nào đó của công trình gọi là độ lún tương đối (trồi, lún).
3.8. Máy và dụng cụ đo độ lún phải có các tính năng kĩ thuật phù hợp, đảm bảo độ chính xác và cần được kiểm tra, kiểm nghiệm chặt chẽ trước khi đo.
3.9. Độ chính xác của việc đo độ lún công trình nêu trong đề cương hoặc phương án kĩ thuật, được xác định dựa vào đặc điểm, loại nền, móng, giá trị độ lún cho phép và giai đoạn xây dựng công trình.
3.10. Việc đo độ lún công trình được tiến hành theo các giai đoạn sau:
a) Lập chương trình đo: trong đó nêu mục đích, nhiệm vụ của công tác đo độ lún (ghi rõ dự định phân bố các mốc chuẩn, mốc đo độ lún, chuẩn bị kế hoạch đo đạc và lựa chọn phương pháp đo).
b) Tổ chức đo: bao gồm việc xác định khối lượng công việc, lập kế hoạch, chuẩn bị mốc, gắn các mốc đo độ lún, kiểm nghiệm máy, mia và đo ngoài thực địa theo các chu kì.
c) Xử lí số liệu đo đạc: bao gồm việc kiểm tra kết quả đo ngoài thực địa, bình sai và tính toán giá trị độ lún, đánh giá độ chính xác của kết quả đo, lập sơ đồ đo theo các chu kì, lập các đồ thị theo trục và bình đồ lún công trình.
d) Viết báo cáo tổng hợp và phân tích kết quả đo.
e) Tổ chức nghiệm thu.
4. Thiết kế phương án đo độ lún công trình
4.1. Phương án kĩ thuật hoặc đề cương kĩ thuật đo độ lún công trình được thiết kế tuỳ thuộc vào tầm quan trọng của công trình, điều kiện địa chất công trình của khu vực xây dựng, các đối tượng đo và đảm bảo các nội dung sau đây:
- Phần giới thiệu chung: giới thiệu mục đích, ý nghĩa, nhiệm vụ và yêu cầu của công tác đo độ lún, giới thiệu các đặc điểm hiện trạng, lún, nứt của công trình trong thời gian đang thi công, trong thời gian vận hành và các đặc điểm khác có liên quan đến công tác đo độ lún;
- Thiết kế hệ thống mốc đo;
- Thiết kế sơ đồ đo và đánh giá độ chính xác của phương án thiết kế, xác lập cấp đo và chu kì đo;
- Các phương pháp đo độ lún và quy trình đo;
- Chọn máy, dụng cụ đo và tiến hành các yêu cầu kiểm nghiệm;
- Các quy định cụ thể khi đo đạc, yêu cầu về kiểm tra kết quả đo đạc tại hiện trường;
- Phương pháp xử lí số liệu đo;
- Phương pháp tính toán thông số độ lún;
- Phân tích và đánh giá độ ổn định của các mốc chuẩn;
- Lập hồ sơ báo cáo;
- Các vấn đề về vật tư, kinh phí, nhân lực, an toàn lao động và các vấn đề khác.
4.2. Nội dung chi tiết của việc thiết kế hệ thống mốc đo, sơ đồ đo, cấp đo và chu kì đo được trình bày chi tiết ở Điều 6 và Điều 7. Trong quá trình thi công nếu có thay đổi về phương án kĩ thuật hoặc đề cương kĩ thuật cần phải có văn bản cụ thể kèm theo thiết kế bổ sung.
Mã tiêu chuẩn: | TCVN 9360-2012 |
Nhóm tiêu chuẩn: | TCVN 9360-2012 |
Tên văn bản(Tiếng Việt) | Quy trình kỹ thuật xác định độ lún công trình dân dụng và công nghiệp |
Tên văn bản(Tiếng Anh) | |
Ngày ban hành: | 2012 |
Ngày hết hiệu lực: | |
Cơ quan ban hành: | Chưa rõ |
Người ký duyệt: | TTTT |
Download tài liệu: | Download |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét