Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

TCVN 9402-2012 Kỹ Thuật Công Tác Khảo Sát Địa Chất

CHỈ DẪN KỸ THUẬT CÔNG TÁC KHẢO SÁT ĐỊA CHẤT CÔNG TRÌNH CHO XÂY DỰNG VÙNG CÁC-TƠ

Technical regulation of engineering geological investigation for construction in karst areas

1 Phạm vi áp dụng
1.1 Tiêu chuẩn này dùng làm cơ sở để lập nhiệm vụ khảo sát địa chất công trình (ĐCCT) cho xây dựng trong vùng các-tơ. Đối tượng áp dụng là các khu công nghiệp, các khu dân cư, đô thị (gọi tắt là công trình), không áp dụng cho khảo sát xây dựng các công trình đặc biệt như: các công trình dạng tuyến, các công trình thủy lợi, thủy điện, các công trình ngầm...



1.2 Khảo sát ĐCCT trong vùng các-tơ không tách rời công tác khảo sát chung cho xây dựng và được tiến hành trong 3 giai đoạn, tương ứng với 3 giai đoạn thiết kế xây dựng đã được quy định trong các quy chế hiện hành: thiết kế cơ sở (TKCS); thiết kế kỹ thuật (TKKT); thiết kế bản vẽ thi công (TKBVTC). Trong trường hợp cần thiết phải bổ sung thêm giai đoạn khảo sát ĐCCT trước TKCS.
1.3 Công tác khảo sát ĐCCT phải được thực hiện trên cơ sở đề cương khảo sát ĐCCT. Nội dung của đề cương phải đảm bảo thoả mãn các yêu cầu nghiên cứu, lập hồ sơ cho các giai đoạn thiết kế tương ứng. Tiêu chuẩn này có thể áp dụng để khảo sát phục vụ sửa chữa, mở rộng, nâng cấp xí nghiệp và công trình.
1.4 Các-tơ trên lãnh thổ Việt Nam phát triển chủ yếu trong các đá cacbonnat, vì vậy trong phạm vi của chỉ dẫn này chỉ xét đến các vùng phát triển các-tơ trên đá cacbonat (đá vôi, đôlômit, đá macnơ). Các khu vực nếu có hang hốc loại khác (ví dụ các hang hốc trong đất sét hình thành do đất có khả năng tan rã mạnh) không phải là đối tượng được quan tâm trong tiêu chuẩn này.

2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau là cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 4419:1987, Khảo sát cho xây dựng - Nguyên tắc cơ bản.

3 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này có sử dụng các thuật ngữ, định nghĩa sau:

3.1 Các-tơ (Kast)
Tổ hợp các quá trình và hiện tượng địa chất xuất hiện trên bề mặt hoặc trong lòng đất chủ yếu là do hòa tan hóa học đất đá, tạo nên các hang rỗng, làm phá hủy và biến đổi cấu trúc, trạng thái đất đá, cơ chế nước ngầm, đặc thù địa hình, cơ chế mạng thủy văn.

3.2 Vùng các-tơ (Kast areas)
Các khu vực mà trên mặt cắt địa chất của chúng có mặt đất đá hòa tan (đá vôi, đôlômit, đá macnơ, đá muối..) và có hoặc có thể xuất hiện các-tơ trên mặt và các-tơ ngầm.

3.3 Các-tơ trần và các-tơ phủ (Open karst and closed karst)
Hai loại các-tơ phân biệt theo đặc điểm phân bố của đá bị các-tơ hóa. Các-tơ trần (đá bị các-tơ hóa nằm ngay trên mặt) và các-tơ phủ (đá bị các-tơ hóa bị che phủ bởi các lớp đất đá không hòa tan, không thấm nước hoặc đất đá không hòa tan có thấm nước).

3.4 Sụt lở - các-tơ (Kast subsidence)
Hiện tượng sập mặt đất do hang các-tơ ở độ sâu không lớn, trần hang yếu.

3.5 Xói sụt lở - các-tơ (Karst underground erosion subsidence)
Hiện tượng sập mặt đất do dòng nước mang các vật liệu của tầng phủ nằm trên đưa xuống hang gây sập lớp phủ bên trên (dòng thấm đi xuống).

3.6 Sụt lở - xói sụt lở - các-tơ (Kast subsidence- underground erosion subsidence)
Tổ hợp của cả 2 loại hình sụt lở - các-tơ và xói sụt lở - các-tơ.

3.7 Lỗ khoan sâu (Deep holes)
Hố khoan để nghiên cứu các-tơ có chiều sâu vượt qua vùng bị các-tơ hóa vào tầng đá nằm dưới nguyên khối không nhỏ hơn 5 m.

4 Đặc điểm hình thành, phát triển các-tơ

4.1 Những yếu tố cơ bản phát triển các-tơ bao gồm: sự vận động của nước ngầm và nước mặt; tồn tại đất đá hòa tan; tính thấm nước của đất đá hòa tan (đất đá phải có khả năng thấm nước); khả năng hòa tan đất đá của nước.

Chỉ cần thiếu dù chỉ một trong các yếu tố kể trên thì các-tơ không phát triển và khi hội tụ cả bốn yếu tố thì sự phát triển của các-tơ là không tránh khỏi.

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển các-tơ bao gồm: thành phần thạch học của đá hòa tan; chiều dày và đặc điểm nứt nẻ của lớp đá hòa tan; thành phần và chiều dày của lớp phủ; địa hình; điều kiện khí hậu.

4.2 Các-tơ có quy luật phát triển chung là: giảm dần theo chiều sâu; mạnh hơn ở thung lũng sông và yếu hơn ở khu vực phân thủy; phụ thuộc vào đặc điểm cấu trúc và lịch sử phát triển địa chất của khu vực.

Các loại hình các-tơ bề mặt phổ biến có thể kể đến như: hào, rãnh các-tơ, các bề mặt hòa tan sót với các hang nổi, hang chìm; phễu các-tơ (rửa trôi bề mặt, lún, sập tầng mặt); cánh đồng các-tơ (tập trung nhiều phễu các-tơ); thung lũng các-tơ (do hoạt động xâm thực bằng nước mặt và nước ngầm); vực các-tơ (do sập nóc các sông ngầm hoặc hợp nhất các hố sâu các-tơ tạo thành vực sâu khép kín có vách dựng đứng, đáy bằng phẳng); rừng đá các-tơ (tạo ra do sự kế tiếp liên tục của các rãnh sâu với những khối đá còn lại); sông, suối, hồ cạn, hồ nổi các-tơ; giếng các-tơ, hố thu nước các-tơ.

Các loại hình các-tơ ngầm phổ biến bao gồm: khe nứt mở rộng do hòa tan; lỗ rỗng hòa tan (nhỏ hơn 2 mm); lỗ hổng hòa tan (2 mm đến 20 mm); hang hốc các loại (lớn hơn 20 mm, trong đó có cả hang động, hồ và sông ngầm); các đới phá hủy và dỡ tải; bề mặt hòa tan các lớp đá các-tơ hóa; các phá hủy thế nằm của đất đá nằm trên các hang hốc và các đới phá hủy các-tơ; phễu và địa hình các-tơ cổ bị che khuất....
Mã tiêu chuẩn:TCVN 9402-2012
Nhóm tiêu chuẩn:TCVN 9402-2012
Tên văn bản(Tiếng Việt)
Chỉ Dẫn Kỹ Thuật Công Tác Khảo Sát Địa Chất Công Trình Cho Xây Dựng Vùng Các-Tơ
Tên văn bản(Tiếng Anh)
Ngày ban hành:2012
Ngày hết hiệu lực:
Cơ quan ban hành:Chưa rõ
Người ký duyệt:TTTT
Download tài liệu:Download 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét